Các nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở

Trong các giai đoạn lịch sử cách mạng, vấn đề an ninh, trật tự tại cơ sở luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bất kỳ loại đối tượng nào muốn tiến hành hoạt động phạm tội cũng đều khởi đầu ở một địa bàn cơ sở cụ thể. Vì vậy, nhận diện được âm mưu, hoạt động của đối tượng ngay từ địa bàn cơ sở không chỉ giúp cơ quan Công an tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền và trực tiếp bố trí triển khai các lực lượng, biện pháp kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, mà còn giúp bịt kín mọi sơ hở, thiếu sót làm phát sinh, phát triển các tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật từ cơ sở, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự của đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở đã, đang xuất hiện những yêu cầu, nhiệm vụ, thách thức mới. Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh từ cơ sở nhưng chưa phát hiện kịp thời, giải quyết triệt để nên đã lan rộng, kéo dài gây ra tình hình phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn rộng, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, bị các thế lực thù địch, đối tượng phản động, phần tử xấu lợi dụng chống phá. Do sự phát triển về nhiều mặt của đời sống xã hội nên những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh ngay từ cấp cơ sở, có tính liên thông với các địa bàn trong và ngoài nước, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi phải nhận diện được các nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ngay tại cơ sở để sớm có biện pháp ứng phó cũng như có định hướng tổ chức lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Qua nghiên cứu cho thấy, một số nguy cơ đe dọa an ninh, trật tự tại cơ sở, nổi bật là:

– Mâu thuẫn, bức xúc của một bộ phận quần chúng nhân dân trên địa bàn cơ sở. Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ chế thị trường đã góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những vấn đề tiêu cực cũng phát sinh làm nảy sinh mâu thuẫn, bức xúc trong quần chúng nhân dân, như: vấn đề ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, xí nghiệp, xử lý rác thải công nghiệp; vấn đề giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Những năm qua, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội ngày càng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhưng vẫn còn một số hạn chế, tiềm ẩn bức xúc trong xã hội. Đặc biệt là, việc thực hiện chưa nghiêm, sai lệch chính sách, không kịp thời quan tâm xem xét, giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của nhân dân…, thậm chí có nơi xảy ra những vi phạm của chính quyền cấp cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã tác động, làm xuất hiện tâm lý nghi ngờ về hiệu quả của các chính sách và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đã tạo ra những mâu thuẫn, bức xúc trong quần chúng nhân dân, gây ra những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự tại cơ sở; thậm chí dễ bị lợi dụng, kích động bùng phát thành các cuộc biểu tình, khiếu kiện quy mô lớn như đã xảy ra ở một số tỉnh, thành phố điển hình, tại các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xảy ra đình công, lãn công phản đối chính sách của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, có vụ lên đến hàng chục nghìn người. Vì vậy, yêu cầu, đòi hỏi chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, không để xảy ra những vụ việc phức tạp, kéo dài là yêu cầu khách quan, cấp thiết.

READ  Nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an ở địa bàn cơ sở

– Các đối tượng có hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên địa bàn cơ sở. Hoạt động tôn giáo trái pháp luật là một trong những vấn đề có thể phát sinh và hình thành điểm phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn cơ sở. Thực tế cho thấy, hoạt động tôn giáo trái pháp luật đã diễn ra ở nhiều địa bàn cơ sở, như: hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật; hoạt động cơi nới, mở rộng hoặc xây dựng mới cơ sở thờ tự không theo quy định của pháp luật; hoạt động bổ nhiệm, phong phẩm, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật… Những điều này không những ảnh hưởng đến quyền chính đáng theo hoặc không theo tôn giáo, mà còn gây ra những phức tạp về an ninh, trật tự đối với cộng đồng dân cư ở cơ sở. Ớ một số địa bàn cơ sở, nhất là liên quan đến Công giáo, còn xảy ra các hiện tượng: đòi lại đất đai, cơ sở thờ tự; lôi kéo, kích động quần chúng giáo dân chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vu cáo Việt Nam “đàn áp tôn giáo”…

– Các đối tượng mãn hạn tù, đối tượng truy nã, trốn thi hành án, đối tượng phạm tội đang lẩn trốn trên địa bàn cơ sở. Địa bàn cơ sở là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư tích cực đóng góp chung vào sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cộng đồng dân cư cũng có những con người cần phải được định hướng, giáo dục, cải tạo đế chấp hành tốt các quy định của pháp luật, như: người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đã chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án nhưng chưa được xóa án tích… Cùng với đó là hoạt động của các đối tượng bị truy nã, trốn thi hành án, đối tượng phạm tội đang lẩn trốn. Điều này đòi hỏi tại địa bàn cơ sở phải phát hiện, tác động chuyển hóa các đối tượng, làm trong sạch địa bàn.

– Hoạt động phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội trên địa bàn cơ sở. Bên cạnh những hoạt động kinh tế – xã hội tuân thủ quy định của pháp luật thì trên địa bàn cơ sở còn có những hoạt động phạm pháp hình sự, như: trộm cắp tài sản, đánh bạc, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy, cố ý gây thương tích… Các loại tội phạm hoạt động đan xen, gắn kết giữa hình sự, kinh tế, môi trường, ma túy, công nghệ cao… Thủ đoạn hoạt động phạm tội do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ngày càng tinh vi, xảo quyệt, kết hợp với sử dụng công nghệ cao, có tổ chức, xuyên quốc gia. Các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, buôn bán hàng cấm… diễn ra trên không gian mạng khó kiểm soát và có dấu hiệu gia tăng. Do đó, tệ nạn xã hội, các loại tội phạm vẫn phát sinh, phát triển tại cả khu vực nông thôn, đô thị với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Hoạt động này ngày càng diễn ra phức tạp tại những địa bàn mà phong trào quần chúng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự chưa cao; hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế, có mâu thuẫn cục bộ hoặc vi phạm nhất định…

Đặc biệt, sự hình thành, phát triển các khu đô thị mới, chung cư cao cấp tại các tỉnh, thành phố lớn hiện nay, một mặt phản ánh sự phát triển đô thị trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; song đồng thời, cũng dẫn đến sự hình thành các cộng đồng, cấu trúc dân cư đô thị mới có liên quan đến an ninh, trật tự. Hiện nay, các phần tử xấu, các loại tội phạm có xu hướng sử dụng địa bàn các khu đô thị mới, các khu chung cư với nhiều tầng an ninh khép kín (lực lượng chức năng không dễ vào kiểm tra, xử lý) để che giấu và thực hiện tội phạm. Điều này gây ra những bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến ý thức tham gia bảo đảm an ninh, trật tự của người dân cũng như tác động tiêu cực đến môi trường cộng đồng dân cư, thậm chí tác động, lôi kéo một bộ phận thanh niên tham gia vào hoạt động này. Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn cơ sở, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của địa bàn. Thực tiễn đó cũng đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, tổ chức, mọi công dân, của nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ trị an, trật tự, an toàn xã hội. Muốn vậy, vấn đề có ý nghĩa quan trọng là phải tổ chức, xây dựng, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng lực lượng tham gia đảm đảm an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

READ  Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở

– Nguy cơ xảy ra cháy, nổ, tai nạn trên địa bàn cơ sở. Một trong những vấn đề gây tổn thất về người và của có thể xảy ra trên địa bàn cơ sở là các vụ cháy, nổ, tai nạn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các địa bàn cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, các làng nghề dịch vụ, các khu dân cư đông đúc. Khi xảy ra các vụ việc này, nếu không có lực lượng chức năng tại địa bàn cơ sở kịp thời giải quyết từ sớm thì có thể để lại hậu quả lớn về người và của. Do vậy, đề phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục hậu quả xảy ra, một trong những yêu cầu rất quan trọng là phát huy được vai trò của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.

– Xảy ra tình trạng các đối tượng phạm tội sinh sống trên địa bàn kích động, tập hợp lực lượng, tuyên truyền, tụ tập, gây rối trật tự công cộng, khiếu kiện trên địa bàn cơ sở. Địa bàn cơ sở là nơi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn mà các loại đối tượng có nhiều hoạt động gây phức tạp về an ninh, trật tự sinh sống, hoạt động. Quá trình hoạt động, các đối tượng này có những hoạt động kích động quần chúng nhân dân tham gia gây phức tạp về an ninh, trật tự; tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tập hợp lực lượng hình thành các hội, nhóm chống phá; tụ tập, gây rối an ninh, trật tự; kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện, biểu tình chống đối. Nguy cơ lệ thuộc vào các luồng thông tin “một chiều”, bị “định hướng” thông tin trong cuộc chiến tranh thông tin toàn cầu, gây ra nhiều luồng quan điểm “trái chiều” trong dư luận xã hội, đe dọa đoàn kết dân tộc và ổn định xã hội. Bên cạnh đó, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường đã khiến nhiều giá trị văn hóa xuống cấp; khuynh hướng thương mại hóa trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, chạy theo lợi nhuận đơn thuần không bị đẩy lùi mà tiếp tục có những biểu hiện mới, phức tạp. Tình trạng buông lỏng quản lý liên kết, đế cho các đối tác liên kết thao túng diễn ra ở một số nhà xuất bản dẫn tới hệ lụy là cho ra đời nhiều ấn phẩm có nội dung lệch lạc, độc hại; thậm chí phủ nhận những thành quả cách mạng, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp vai trò của Đảng. Trong khi đó, các phần tử thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng đến mọi tầng lớp nhân dân; triệt để lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tại cơ sở để kích động quần chúng nhân dân tập trung đông người, gây mất an ninh, trật tự, hình thành “điểm nóng”, xung đột xã hội, từ đó, tạo dựng “ngòi nổ” cho các cuộc biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn chống chính quyền, chống Đảng, Nhà nước. Vì vậy, bên cạnh việc tổ chức lực lượng, biện pháp công tác công an thì sự tham gia của các lực lượng quần chúng nhân dân có vai trò quan trọng trong xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

READ  Khái niệm, nguyên tắc tổ chức, các loại hình và nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở

– Hoạt động phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Bên cạnh những hoạt động phức tạp nêu trên, tại địa bàn cơ sở còn nảy sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự như: người dân di cư không khai báo biến động về nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, lưu trú có hoạt động nghi vấn; quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; vấn đề quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Đây là vấn đề có thể phát sinh những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không quản lý tốt sẽ dẫn đến bỏ lọt đối tượng, địa bàn, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

– Tác động từ mặt trái của không gian mạng đến quần chúng nhân dẫn ở địa bàn cơ sở. Trong thời đại ngày nay, không gian mạng ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển xã hội thông tin và kinh tế tri thức, kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử…, làm thay đổi diện mạo mới của nhiều quốc gia, đem lại những thành tựu vượt bậc cho nhân loại.

Song, các quốc gia cũng phải đối mặt nhiều hơn với các nguy cơ, thách thức trong bảo đảm an ninh, trật tự như: chiến tranh mạng, khủng bố mệnh, tội phạm mạng…

Ở nước ta, sử dụng không gian mạng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” là một hướng ưu tiên của các thế lực thù địch nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước ta, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ. Gần đây, lợi dụng không gian mạng, các đối tượng đã gia tăng các hoạt động tuyên truyền thông tin, âm mưu kích động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy tâm lý phản kháng, thề hiện sự bất bình của người dân với chính quyền cơ sở. Cùng với đó, không gian mạng ngày càng làm xói mòn các giá trị truyền thống, lan tỏa các trào lưu tư tưởng văn hóa, xã hội độc hại, kích động bạo lực, khủng bố; đồng thời tạo ra những điều kiện thuận lợi đế các loại tội phạm tiến hành hoạt động phạm tội trên địa bàn cơ sở như: cho vay lãi suất cao; đánh bạc qua mạng; lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng.

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *